Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

Làm sao biết cơ thể bị thiếu máu?

Thiếu máu dinh dưỡng là một trong những loại thiếu máu phổ biến nhất trên thế giới, nhất là ở những nước đang phát triển.

Trong đó, thiếu máu do thiếu sắt thường gặp nhất. Các kết quả điều tra cộng đồng về tình trạng thiếu máu ở Việt Nam cho thấy tỉ lệ phụ nữ và trẻ em thiếu máu rất cao, có lúc lên đến 40%.

Sắt là một vi khoáng chất quan trọng tham gia quá trình tạo máu và một phần cấu trúc của bộ não. Vì vậy, thiếu sắt sẽ dẫn đến giảm phát triển trí tuệ, thể chất và khả năng học tập, lao động, giảm sức đề kháng của cơ thể với nhiễm trùng.
 
Ảnh minh họa
 
Ai là người dễ bị thiếu máu, thiếu sắt?
 Đó là trẻ em đang tăng trưởng, trẻ gái tuổi dậy thì, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú. Đây là những đối tượng có nhu cầu chất sắt cao để tạo máu, nếu không cung cấp đủ nhu cầu, sẽ bị thiếu máu. Phụ nữ trong tuổi sinh đẻ hằng tháng bị mất sắt qua kinh nguyệt nên dễ bị thiếu máu hơn nam giới. Tình trạng nhiễm ký sinh trùng đường ruột (giun, sán, lãi) cũng góp phần làm cho tình trạng thiếu máu nặng nề hơn.
 
Làm sao biết bị thiếu máu? Cách tốt nhất là đi xét nghiệm máu. Nếu đã xác định thiếu máu, bạn sẽ được bác sĩ tư vấn về chế độ ăn và thuốc kéo dài trong 2-3 tháng.
 

Thiếu máu có phòng ngừa được không? Xin trả lời ngay là có. Sắt có nhiều trong các loại ốc; các loại thịt như thịt bò, heo; cá ngừ. Các loại thịt trắng như thịt gia cầm thì ít chất sắt hơn. Sắt còn có nhiều ở gan, huyết, lòng đỏ trứng; ở các loại rau như dền, bồ ngót, muống... và các loại đậu. Chất sắt có nguồn gốc từ động vật dễ hấp thu hơn từ thực vật.
 
Trong bữa ăn, nếu có rau xanh hoặc sau bữa ăn dùng thêm trái cây tươi giàu vitamin C (cam, chanh, bưởi, táo, sơ ri, đu đủ, chuối...) sẽ giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn. Ngược lại, chất tanin trong trà sẽ hạn chế việc hấp thu sắt. Vì vậy, không nên uống trà đặc quá  gần bữa ăn mà chỉ uống cách sau bữa ăn từ 2 giờ trở đi.
 
Để không bị thiếu sắt, còn cần phải vệ sinh ăn uống tốt (cụ thể là ăn chín, uống sôi; rửa sạch rau, trái...), vệ sinh cá nhân (như rửa tay trước khi ăn và sau khi tiêu tiểu, không đi chân đất...); vệ sinh môi trường nhà ở. Tất cả thành viên trong gia đình (trừ trẻ dưới 2 tuổi) đều cần xổ giun định kỳ 6 tháng/lần để tránh “nuôi” giun, sán trong bụng gây thiếu máu. Đối với các đối tượng có nguy cơ thiếu máu, thiếu sắt cao như phụ nữ có thai, cần uống bổ sung thêm sắt mỗi ngày theo hướng dẫn của bác sĩ, ngay từ khi biết có thai cho đến sau sinh một tháng. Phụ nữ tuổi từ 15 -49 nên bổ sung một đợt sắt với liều khoảng 60 mg/tuần, mỗi tuần/lần và uống  trong 16 tuần/năm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons