Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Bệnh thiếu máu làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt

Thiếu máu do thiếu chất sắt cũng có thể gây nứt nẻ khóe miệng, móng dễ gãy và thường xuyên mắc những bệnh nhiễm trùng.

Ảnh: Internet
 
Thiếu máu là thuật ngữ tổng quát nói về bệnh lý thể hiện do thiếu các tế bào màu đỏ trong cơ thể. Sự thiếu hụt hoặc dư thừa chất sắt trong cơ thể đàn ông có thể dẫn đến bệnh lý gọi là thiếu máu do thiếu chất sắt.
 
Thiếu hụt chất sắt thường diễn tiến chậm chạp, nhất là trong việc xây dựng các tế bào máu đỏ.
 
Tầm quan trọng của tế bào máu
Các tế bào máu đỏ gọi là huyết sắc tố, được tạo thành từ chất sắt. Huyết sắc tố trong các tế bào máu đỏ có nhiệm vụ liên kết oxy để chuyển giao đến các tế bào cũng như chọn lọc thành phần carbon dioxide ra khỏi cơ thể. Nếu cơ thể đàn ông không có đủ chất sắt, sẽ không thể tạo ra những tế bào máu đỏ khỏe mạnh. Từ đó, sẽ gây cản trở cho việc chuyển giao lượng oxy và loại trừ carbon dioxide.
Nếu bệnh thiếu máu do thiếu chất sắt ở mức độ nhẹ, bệnh nhân sẽ không thể nhận thấy những triệu chứng về thể chất. Dần dần, sự thiếu oxy ở các tế bào có thể gây mệt mỏi, thở ngắn, choáng váng, nhức đầu, giảm nhiệt độ cơ thể, da tái và đau ngực.
 
Thiếu máu do thiếu chất sắt cũng có thể gây nứt nẻ khóe miệng, móng dễ gãy và thường xuyên mắc những bệnh nhiễm trùng. Hiệp hội Quốc gia về Máu, Phổi và Tim mạch (Mỹ) khuyến cáo: "Cảm giác u uất của bệnh nhân trong trường hợp này có khuynh hướng gia tăng đáng kể”.
Nguyên nhân mắc bệnh
Hầu hết chất sắt trong cơ thể hiện hữu trong máu và mất máu là nguyên nhân phổ biến của bệnh thiếu máu do thiếu chất sắt. Các vết loét gây chảy máu, khối u trong ruột kết và nhiễm trùng đường tiểu có thể dẫn đến bệnh thiếu máu do thiếu chất sắt. Mất máu có liên quan đến chấn thương hoặc phẫu thuật cũng góp phần gây ra bệnh thiếu máu.
 
Nguyên nhân khác của bệnh thiếu máu do thiếu chất sắt còn do chế độ dinh dưỡng nghèo nàn. Những thực phẩm dồi dào chất sắt có trong sản phẩm từ động vật như thịt, thịt gia cầm, trứng và cá. Do đó, đàn ông ăn chay có nguy cơ phát triển bệnh.
 
Một số bệnh lý khác có thể là nguyên nhân gây suy giảm khả năng hấp thu chất sắt dẫn đến thiếu máu do thiếu chất sắt. Hấp thu chất sắt kém có thể là kết quả của bệnh viêm ruột như bệnh Crohn hoặc phẫu thuật ruột trước đó.
 
Theo chuyên trang về sức khỏe Mayoclinic.com, khi mắc bệnh cần thiết phải thay thế chất sắt dự trữ trong cơ thể bằng chất sắt bổ sung và điều chỉnh dinh dưỡng để bổ sung chất sắt. Bổ sung chất sắt cần tiếp tục trong vài tháng đến khi việc thiếu chất sắt được hiệu chỉnh. Ngoài ra, về cơ bản cũng cần hiệu chỉnh việc sử dụng thuốc vì chúng có thể là nguyên nhân gây thiếu chất sắt.
Tăng nguy cơ ung thư tiền liệt
Nhận định của các nhà khoa học thuộc Trung tâm Y khoa Wilford Hall Medical Center, San Antonio (Mỹ) cho biết, bệnh thiếu máu có khuynh hướng gây ung thư tiền liệt.
 
Nguy cơ này dựa trên những nguyên nhân khác nhau bao gồm sự suy giảm androgen, dinh dưỡng kém, liên quan đến độc tố khi điều trị bệnh, tình trạng viêm tấy mạn tính và liên quan đến tủy xương.
 
Điều trị bệnh thiếu máu ở đàn ông gây nguy cơ ung thư tiền liệt là vấn đề đang được tranh luận. Được biết, khả năng điều trị bệnh sẽ hiệu quả hơn đối với những bệnh nhân có tủy xương dự trữ bị hạn chế, đang truyền máu.
Một số nguyên nhân khác gây ung thư tiền liệt do bệnh thiếu máu có thể kể đến gồm có:
- Liệu pháp thay thế tủy thông thường với các tế bào ung thư.
- Tiểu ra máu và những căn nguyên khác của mất máu chậm.



Huyết khối tĩnh mạch - Nguyên nhân và cách trị

Huyết khối tĩnh mạch là bệnh thường gặp và nguy hiểm nhất của hệ thống tĩnh mạch. Bệnh gây ảnh hưởng tới 5 - 6 triệu người Mỹ mỗi năm.

Huyết khối tĩnh mạch
 
Nguy cơ lớn nhất của huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là cục máu đông có thể tách ra, trôi theo dòng máu lên phổi gây nghẽn mạch phổi, có thể đe doạ tính mạng. Huyết khối tĩnh mạch nông ít có nguy cơ gây nghẽn mạch, thường chỉ gây viêm và đau khu trú, đáp ứng tốt với asprin và chườm ấm.
Nguyên nhân gây bệnh
Tóm lại, tổn thương nội mạc tĩnh mạch tạo điều kiện cho các tiểu cầu ngưng tập và khởi động quá trình đông máu nhất là khi dòng máu chảy chậm hoặc có tình trạng tăng đông kết hợp.
Biểu hiện của bệnh

Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể không gây triệu chứng. Nhiều khi triệu chứng đầu tiên của sự tồn tại huyết khối xuất hiện khi cục máu đông di chuyển lên phổi gây nghẽn mạch phổi (người bị bệnh ho ra máu kèm theo khó thở, đau ngực). Huyết khối cũng có thể gây sưng nề và đau một chân.
 
Xét nghiệm được coi là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu là chụp tĩnh mạch cản quang. Một chất cản quang sẽ được tiêm vào tĩnh mạch ở chân, người bệnh sau đó sẽ được xoay ở nhiều tư thế để tạo thuận lợi cho máu tĩnh mạch trở về tim, nhờ vậy mà hiện hình được hệ thống tĩnh mạch trên phim Xquang.
 
Tuy nhiên, xét nghiệm này khá phức tạp và vẫn còn một tỉ lệ nhất định kết quả không rõ ràng, hơn nữa nó kèm theo nguy cơ của tiêm chích và dị ứng thuốc cản quang. Nhiều trường hợp huyết khối tĩnh mạch được chẩn đoán mà không cần chụp mạch.
Trong số các xét nghiệm thay thế, siêu âm mạch máu là một thăm dò hoàn toàn không chảy máu nhưng khá đắt tiền, ứng dụng nguyên lý sóng âm để hiện hình tĩnh mạch và ứng dụng hiệu ứng Doppler để tính vận tốc dòng chảy trong mạch. Một số xét nghiệm khác bao gồm ghi biến thiên thể tích có trở kháng (impedence plethysmography) và xạ hình tiểu cầu.
Và điều trị
Nguyên tắc điều trị là dùng ngay các thuốc chống đông máu như wafarin (coumadin) hay heparin. Vai trò của thuốc tiêu sợi huyết trong điều trị huyết khối tĩnh mạch đang được tranh luận nhưng hứa hẹn nhiều triển vọng trong tương lai.
 
Thuốc chống đông với liều thấp hơn sẽ được tiếp tục trong nhiều tháng. Trong khi đó, thời gian đông máu cần được kiểm tra định kỳ (mỗi 4 tuần một khi đã ổn định) nhằm dự phòng biến chứng chảy máu.
Với những trường hợp không thể sử dụng thuốc chống đông (có ổ loét dạ dày đang chảy máu hay vừa mới phẫu thuật…), người ta tiến hành đặt một thiết bị lọc hình dù vào tĩnh mạch chủ dưới qua đường ống thông, thiết bị này sẽ ngăn cản những cục máu đông lớn bắn lên phổi gây nghẽn mạch phổi.
Bên cạnh dùng thuốc, người bệnh cần được nghỉ ngơi tại giường trong giai đoạn cấp của bệnh (3 - 5 ngày đầu) với chân gác cao để tránh sưng nề, tạo thuận lợi cho tuần hoàn tĩnh mạch. Chườm ấm và các thuốc chống viêm không steroid như aspirin hay indomethacin giúp cải thiện triệu chứng, rút ngắn thời gian hồi phục.
 
Các thuốc này cần thận trọng khi phối hợp với thuốc chống đông. Khi dấu hiệu sưng nề đã giảm bớt, người bệnh có thể sử dụng băng chun quấn quanh cẳng chân và điều quan trọng nhất: tránh đứng bất động trong thời gian dài.
Biến chứng lâu dài của huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là tình trạng suy tĩnh mạch mạn tính, đặc trưng bằng dấu hiệu phù và biến đổi màu sắc của một hoặc hai chân. Điều trị chống phù nề bằng quấn băng chun kéo dài.

 Hình ảnh huyết khối tĩnh mạch
Viêm tĩnh mạch
Vị trí thường gặp nhất của viêm tĩnh mạch là các tĩnh mạch nông ở chân, thường do nguyên nhân chấn thương hoặc nhiễm khuẩn gây ra. Tĩnh mạch bị viêm trở nên đỏ tấy, sưng nề và nổi lên như một sợi dây thừng ở đùi hoặc cẳng chân.
 
Triệu chứng đau trong viêm tĩnh mạch thường được điều trị bằng chườm ấm và thuốc giảm đau, chống viêm không steroid như aspirin, indomethacin. Triệu chứng ngứa thường được cải thiện với mỡ bôi chứa oxyd kẽm.
Nguy cơ lớn nhất của viêm tĩnh mạch là huyết khối và tắc mạch đặc biệt khi xảy ra ở các tĩnh mạch sâu.
Giãn tĩnh mạch
Bình thường máu tĩnh mạch chảy về tim với một vận tốc hằng định, được trợ giúp bởi sự co cơ và các van tĩnh mạch. Van tĩnh mạch hoạt động như cánh cổng một chiều ngăn không cho dòng máu chảy ngược trở lại dưới tác động của trọng lực.
 
Tuy nhiên, khi dòng máu lưu chuyển quá chậm hoặc van bị tổn thương hay viêm nhiễm, các tĩnh mạch đặc biệt là tĩnh mạch nông ở chân sẽ giãn căng ra và xoắn lại thành từng búi. Những người đứng lâu có nguy cơ cao bị giãn tĩnh mạch.
 
Phụ nữ có thể bị giãn tĩnh mạch khi mang thai do sự đè ép của tử cung lên các tĩnh mạch trong ổ bụng. Măt khác, biến đổi về hormon khi mang thai cũng làm các tĩnh mạch bị giãn và suy yếu.
 
Giãn tĩnh mạch đôi khi gây đau và dị cảm ở da nhưng thường không có triệu chứng. Tuy nhiên các búi giãn được cho là gây mất thẩm mĩ.
 
Giãn tĩnh mạch có thể được xử trí ngoại khoa thông qua thủ thuật Stripping (thắt và bóc tách tĩnh mạch) hoặc bằng phương pháp tiêm chất gây xơ. Người bị giãn tĩnh mạch cần duy trì cân nặng hợp lý, tránh béo phì nhằm giảm áp lực tĩnh mạch và tránh đứng lâu.
 
 Băng ép có tác dụng nhưng không nên quá chặt gây cản trở tuần hoàn. Nhìn chung, giãn tĩnh mạch không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống ngoại trừ khía cạnh thẩm mĩ.
Nghẽn mạch phổi
Huyết khối tĩnh mạch có vị trí càng gần quả tim thì nguy cơ  gây nghẽn mạch phổi càng lớn. Nghẽn mạch phổi có thể gây chết người và là một trong những nguyên nhân đột tử khó xác định nhất.
 
Một số trường hợp nghẽn mạch phổi nhẹ không gây triệu chứng, tuy nhiên các biểu hiện thường gặp là: đau ngực tăng lên khi hít vào, tiếng cọ màng phổi, khó thở và ho ra máu.
Bệnh động mạch ngoại biên
Quá trình xơ mỡ xảy ra ở động mạch ngoại biên cũng tương tự như ở động mạch vành: các hạt mỡ xâm nhập gây thương tổn thành mạch và hình thành mảng xơ mỡ.
 
Lòng mạch sẽ bị hẹp lại, đôi khi tắc hoàn toàn do cục máu đông hình thành trên mảng xơ mỡ gây nên tình trạng thiếu máu cục bộ.
 
Các yếu tố nguy cơ của hẹp, tắc động mạch ngoại biên cũng tương tự như đối với động mạch vành, bao gồm: tăng cholesterol máu, đái tháo đường, thuốc lá và tăng huyết áp. Trong đó, thuốc lá là yếu tố nguy cơ đặc biệt quan trọng của bệnh động mạch ngoại biên.
 
Triệu chứng kinh điển của bệnh mạch ngoại biên là chứng đau cách hồi ở chân, đau tăng lên khi đi nhanh hoặc leo dốc và giảm hoặc hết khi nghỉ ngơi.
 
Nguyên nhân của đau là do thiếu máu cục bộ các bắp cơ ở chân khi vận động. Đau cách hồi ở chân cũng có thể xuất hiện khi gặp lạnh hay khi sử dụng một số thuốc như chẹn bêta giao cảm (thuốc gây co thắt mạch làm nặng thêm tình trạng thiếu máu ngoại biên).
 
Khi động mạch bị hẹp nhiều hoặc tắc hoàn toàn, đau vùng ngoại biên xuất hiện liên tục ngay cả khi nghỉ ngơi. Lúc này các ngón chân trở nên nhợt, biến đổi màu sắc hoặc tím (đặc biệt khi chân để thõng). Bàn chân lạnh, mạch mu chân yếu hoặc không bắt được.
 
 Nặng hơn, vùng chi thiếu máu bắt đầu bị loét. Nặng hơn nữa, hoại tử xuất hiện buộc phải cắt cụt ngón chân hoặc bàn chân. Tuy nhiên, những trường hợp nặng như vậy hiếm gặp.
Chẩn đoán và điều trị
Nhiều bệnh lý về cơ, xương, khớp và bệnh lý ở vùng thắt lưng có thể gây triệu chứng đau chân khi vận động.
 
Tuy nhiên, trong bệnh động mạch ngoại biên, sự hiện hữu của các triệu chứng kinh điển: đau vùng đùi hoặc cẳng chân khi vận động và giảm hoặc hết khi nghỉ; yếu hay mất mạch ở chân là đủ để chẩn đoán trong phần lớn các trường hợp.
 
Hiện tượng rụng lông ở chân cũng gợi ý tình trạng thiếu máu mạn tính. Đo huyết áp ở kheo hoặc vị trí khác có thể giúp xác định tình trạng tưới máu ở chân.
 
Chẩn đoán có thể dựa vào các thăm dò như siêu âm Doppler (cho phép thấy được dòng chảy trong mạch máu), chụp cộng hưởng từ (giúp xác định vị trí động mạch bị tắc) hoặc quan trọng nhất - chụp động mạch cản quang.
 
Các thăm dò này khá đắt tiền và không nhất thiết phải tiến hành cho mọi đối tượng. Chụp mạch thường chỉ được thực hiện trong những trường hợp nặng, giúp cho việc xác định phương pháp điều trị tối ưu.
Người ta ước tính, khoảng 80 – 90% trường hợp bệnh động mạch ngoại biên ổn định hoặc tiến triển tốt theo thời gian; 10 – 15% cần được can thiệp mạch và ít hơn 3 – 5% đòi hỏi phải cắt cụt chi. Điều trị cần bắt đầu bằng các phương pháp bảo tồn trước khi cân nhắc đến các thủ thuật xâm nhập.



Xét nghiệm máu mẹ phát hiện dị tật thai

Chỉ cần xét nghiệm máu của người mẹ có thể tìm ra được dị tật do đột biến nhiễm sắc thể thứ 21.

Trước đây, người ta cứ phải can thiệp vào máu của thai nhi và dây rốn để phát hiện ra các dị tật thai nhi thì nay các nhà khoa học đã tìm ra một biện pháp đơn giản để tìm ra những bệnh lý thai nhi kiểu này.
Nhiều nhà khoa học tuyên bố là có thể chỉ cần xét nghiệm máu của người mẹ cũng có thể tìm ra được dị tật do đột biến nhiễm sắc thể thứ 21.
Các nhà khoa học đến từ Anh quốc đã thử nghiệm trên những bà mẹ mang thai 13 tuần tuổi, các bà mẹ này đều ở tuổi “nhạy cảm” và được lấy mẫu máu để xét nghiệm.
Kết quả này sẽ được so sánh với các phương pháp truyền thống là dịch ối và máu dây rốn. Kết quả thu được khá thú vị. Sau khi xét nghiệm 753 bà mẹ thì có tới 79,1% mẫu đạt sự chính xác trong chẩn đoán và giá trị tiên đoán đạt được là 91,9%.

Kết quả này mở ra một tiềm năng mới trong khám sàng lọc thai nhi. Chúng ta có thể tiến hành thường quy hơn với các bà mẹ có nguy cơ mà ít làm ảnh hưởng tới sức khỏe thai nhi.


Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán bệnh đột quỵ

xét nghiệm này giúp BS thuận lợi hơn trong việc chẩn đoán và điều trị sớm trước khi chờ xét nghiệm chụp CT hoặc MRI.

Các nhà nghiên cứu Trường ĐH Y khoa Penn State (Hershey, Mỹ) cho biết họ đang tiến hành xây dựng một xét nghiệm máu nhằm giúp phát hiện nhanh bệnh đột quỵ do thiếu máu.
 
Đây là một dạng phổ biến của bệnh đột quỵ thường xuất hiện khi mạch máu não bị tắc nghẽn do cục máu đông.
 
Xét nghiệm được thực hiện bằng cách định lượng chất glutamate trong máu não. Khi máu đi qua vùng não bị tổn thương, glutamate được phóng thích nhanh vào dòng máu.
 
Kết quả bước đầu cho thấy xét nghiệm giúp chẩn đoán đúng 98% bệnh nhân bị đột quỵ do thiếu máu não và 86% ở những người chưa xuất hiện triệu chứng đột quỵ.
 
Theo các nhà nghiên cứu, xét nghiệm này giúp BS thuận lợi hơn trong việc chẩn đoán và điều trị sớm trước khi chờ xét nghiệm chụp CT hoặc MRI.


Bệnh về máu có di truyền không?

Con gái tôi mới phát hiện bị bệnh về máu nên thỉnh thoảng lại phải truyền máu.

Tôi rất băn khoăn về sức khỏe của cháu nên muốn được tư vấn một số vấn đề sau đây: Bệnh này có di truyền không? Nguyên nhân gây ra bệnh? Có thể chữa được hay không?
      (Nguyễn Thị Thủy - Quảng Nam)
Trả lời:
 
Bệnh về máu trên lâm sàng chia ra nhiều thể: bệnh bạch cầu cấp (còn gọi là bệnh lơ-xê-mi cấp), bạch cầu thể tủy mạn tính, bạch cầu thể lynpho mạn tính, bạch cầu tế bào tóc...
 
Tùy thể bệnh mà nguyên nhân và triệu chứng trên lâm sàng cũng như các yếu tố cần thiết cho chẩn đoán khác nhau nhưng đều có chung đặc tính là bệnh nhân bị thiếu máu.
 
Chẳng hạn, bệnh bạch cầu thể tủy mạn tính đặc trưng của bệnh là số lượng bạch cầu tăng cao, hình thái hồng cầu bình thường, tiểu cầu có thể to bất thường... Bệnh do rối loạn tăng sinh tủy xương, không phải do di truyền mà do có bất thường về nhiễm sắc thể.
 
Bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, ra mồ hôi đêm, sốt nhẹ do tình trạng tăng chuyển hóa gây ra bởi sự sản xuất quá mức bạch cầu. Có khi bệnh nhân thấy bị đầy bụng do lách to. Bệnh tiến triển dần gây thiếu máu do chảy máu và nhiễm khuẩn do suy tủy.
 
Về điều trị: Hiện nay điều trị các thể bệnh bạch cầu gặp nhiều khó khăn, việc dùng thuốc chỉ là đối phó với bệnh, duy nhất có thể khỏi được là ghép tủy (anh em ruột có HLA phù hợp). Hoặc người cho có HLA phù hợp. Tuy nhiên ghép tủy chỉ ưu tiên cho bệnh nhân trẻ, vì người trên 55 tuổi tỷ lệ thành công thấp.
 
Trong thư bạn không nói rõ tuổi bệnh nhân và đã đi khám ở đâu, chẩn đoán là thể nào nên chúng tôi không thể tư vấn cụ thể được.
 
Tuy nhiên đây là một bệnh về máu nên cần được điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh có chuyên khoa huyết học hoặc BV Huyết học và Truyền máu Trung ương. Nếu trẻ nhỏ thì đến các bệnh viện nhi để có chẩn đoán và tư vấn điều trị cụ thể. 


Trẻ xanh xao, mệt mỏi có thể bị thiếu máu

Xanh xao và mệt mỏi có thể là những biểu hiện đầu tiên của bệnh thiếu máu do giảm hồng cầu ở trẻ.

Ảnh minh họa
 
Bệnh thiếu máu, thường là thiếu sắt trong máu thường gặp ở trẻ đẻ thiếu tháng, trẻ sinh đôi hoặc những trẻ không được ăn uống đầy đủ.
 
Lượng sắt dự trữ trong cơ thể của những đứa trẻ này không lớn và bị tiêu hao rất nhanh. Sự thiếu sắt sẽ phá vỡ quá trình hình thành huyết cầu và gây thiếu máu.
 
Theo các bác sĩ, hồng cầu vận chuyển oxy cần thiết cho hoạt động của cơ thể. Máu đủ oxy có màu đỏ tươi và làm cho da của trẻ hồng hào.
 
Khi lượng oxy trong máu thấp, trẻ chóng mệt mỏi xanh xao. Đây có thể là biểu hiện đầu tiên của bệnh thiếu máu ở trẻ. Ngoài ra, trẻ thiếu máu thường rất hay quấy khóc, biếng ăn, táo bón… Cha mẹ cần chú ý các biểu hiện của trẻ để đi khám, thử máu cho trẻ.
 
Thiếu máu sẽ làm cho trẻ chậm lớn. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ chú ý cho trẻ ăn uống điều độ ngăn ngừa bệnh thiếu máu ở trẻ.
 
Đối với trẻ ở nhóm nguy cơ cao cần cho ăn thêm các loại thực phẩm giàu chất sắt. Theo chỉ dẫn của bác sĩ có thể cho trẻ uống thêm các viên chứa chất sắt nhằm đề phòng bệnh thiếu máu.



Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Ghép tế bào gốc chữa bệnh Thalassemia

Đây là kỹ thuật đòi hỏi nhiều điều kiện (tìm tế bào gốc phù hợp, chi phí phẫu thuật cao…) nên không phải ai cũng tiếp cận được

Ghép tủy xương bằng tế bào gốc là kỹ thuật hiện đại đã được nhiều nước áp dụng và có kết quả tốt
 
Ứớc tính khoa học của BV Nhi trung ương cho biết, Việt Nam đang có gần 20.000 ca mắc bệnh tan máu di truyền bẩm sinh (Thalassemia) và chỉ khoảng 1/10 trong số đó được tiếp cận các phương pháp điều trị.
 
Số còn lại chậm phát hiện, hoặc phát hiện mà thiếu tiền nên điều trị cầm chừng hoặc không được điều trị, sẽ tử vong sớm.
 
BV Nhi trung ương đang chuẩn bị ghép tế bào gốc tạo máu từ tuỷ xương cho bệnh nhân thứ tám mắc bệnh tan máu di truyền bẩm sinh.
 
 So với số trẻ mắc bệnh này thì số ca may mắn được ghép quá ít, nhưng đây là cơ hội kéo dài cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ mắc bệnh tan máu di truyền bẩm sinh.
 
Năm năm chỉ có bảy ca ghép
 
Cuối tháng 7 vừa qua, các bác sĩ bệnh viện Nhi trung ương đã thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tạo máu từ tuỷ xương lần thứ bảy.
 
Bệnh nhân P.N.H., 14 tuổi ở tỉnh Lào Cai là người may mắn được lựa chọn thực hiện ca ghép. Sau ca ghép, tình hình sức khoẻ của H. tốt hơn, không phải truyền máu như trước nhưng các bác sĩ đang tiếp tục theo dõi.
 
Hiện bệnh viện đang chuẩn bị cho ca ghép thứ tám cho một bé gái 11 tuổi, dân tộc Tày ở Cao Bằng. Người cho tuỷ là anh trai của bệnh nhân. Các xét nghiệm cần thiết đã được tiến hành, các bác sĩ đang hoàn thiện những khâu cuối cùng trước khi bước vào ca ghép.
 
TS.BS Dương Bá Trực, trưởng khoa huyết học lâm sàng, BV Nhi trung ương - người trực tiếp thực hiện các ca ghép - cho biết, tan máu di truyền là bệnh bẩm sinh do bố mẹ mang gen và truyền cho con cái. Tuy nhiên, có người mang thể nặng, người mang thể nhẹ.
 
Trước đây, bệnh nhân không may mắc phải bệnh này phải chung sống suốt đời và điều trị bằng cách truyền máu định kỳ, trường hợp lá lách bị to thì cần cắt bỏ. Tuy nhiên, từ năm 2007 đến nay, BV Nhi trung ương đã bắt đầu thực hiện các ca ghép tuỷ xương bằng tế bào gốc.
 
Đây là kỹ thuật đòi hỏi nhiều điều kiện (tìm tế bào gốc phù hợp, chi phí phẫu thuật cao…) nên không phải ai cũng tiếp cận được. Điều đó lý giải vì sao, sau năm năm tiến hành ghép mới có bảy trong số hàng ngàn ca mắc bệnh này được ghép.
 
Sàng lọc trước kết hôn để giảm nguy cơ
 
“Bệnh nhân được phát hiện mắc bệnh tan máu di truyền bẩm sinh được điều trị bằng truyền máu và thải sắt. Khi có người phù hợp cho tuỷ thì ghép tế bào gốc tạo máu giúp bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
 
Nguồn tủy hiện nay chủ yếu lấy từ anh chị em ruột nhưng cũng chỉ 25% anh chị em ruột là hợp. Sau khi đã lựa chọn xong người ghép và người cho, bệnh nhân phải trải qua các xét nghiệm cần thiết.
 
Tiếp theo là giai đoạn điều trị điều kiện trước khi tiến hành ghép. Sau ca ghép cũng có trường hợp xảy ra biến chứng không như mong muốn. Nếu vượt qua, bệnh nhân sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn”, BS Trực nói.
 
Theo một khảo sát gần đây của các bác sĩ BV Nhi trung ương, người dân tộc Mường có tỷ lệ mắc bệnh tan máu di truyền bẩm sinh cao (nghiên cứu được tiến hành tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình).
 
Ngoài ra, một số dân tộc khác cũng có tỷ lệ mắc nhất định, như khoảng 8% người Kinh mắc bệnh này. Đây chỉ là một khảo sát quy mô nhỏ và chưa có con số thống kê cụ thể. “Do bệnh này có di truyền nên trước khi lập gia đình cần khám sức khoẻ tiền hôn nhân, khi có thai phải theo dõi thường xuyên và làm chẩn đoán trước sinh để đề phòng cho con mình”, BS Trực khuyên.
 

Củ nghệ đen chữa thiếu máu

Theo y học cổ truyền, nghệ đen có vị cay, đắng, tính ôn, không đọc, có tác dụng phá huyết, thông kinh, hành khí, điêu tích, hóa thực.

Thường dùng để chữa các chứng tích huyết, bế kinh, nhiều huyết khối, ăn không tiêu, đầy hơi. Nghệ đen còn giúp tăng cường sự bài tiết mật, tăng trương lực ống tiêu hóa, kích thích tiêu hóa, kháng khuẩn. Thuốc làm từ nghệ đen có tên là nga truật.
Củ nghệ đen có nhiều tác dụng chữa bệnh rất tốt. Ảnh minh họa
Chữa chứng bế kinh, huyết tử, huyết khối, máu ra kéo dài, đen, đóng thành khối nhỏ: dùng 15g nghệ đen, 15g ích mẫu sắc lấy nước uống ngày 1 thang.
Chữa chứng kém ăn, đầy hơi, lạnh bụng, đại tiện phân sống, nấm đường ruột, chậm tiêu hóa, mệt mỏi: dùng 160g nghệ đen, nam mộc hương, đăng tâm (bấc lung), đinh hương mỗi vị 16g, thanh bì, thanh mộc hương, cốc nha mỗi vị 20g, khiên ngưu (sao), hạt cau mỗi vị 40g, củ gấu, tam lăng mỗi vị 160g. Tất cả các vị trên tán thành bột mịn, hoàn thành viên. Ngày uống 8 - 12g với nước sắc gừng (đã nướng chín)
Chữa chứng suy nhược, xanh xao, thiếu máu, ăn kém tiêu: nghệ đen 40g, thục địa, cam thảo, xuyên khang, bạch chỉ, hồi hương, đương qui, bạch thược mỗi vị 40g. Đem tất cả các vị trên tán bột mịn, hoàn thành viên. Uống ngày 8 - 12g.
Chữa chứng trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng, cam tích, đi ngoài phân thối khẳn: nghệ đen 6g, hạt muồng trâu 4g sắc lấy nước uống ngày 1 thang.
Chữa chứng nôn trớ ở trẻ em đang bú: lấy 4g nghệ đen, 3 4 hạt muối ăn đun với sữa cho sôi chừng 5 phút, hòa tan một ít ngưu hoàng (lượng bằng hạt gạo) chia uống nhiều lần trong ngày.
Lưu ý: không dùng nghệ cho những người có chứng âm hư mà không ứ trệ, bệnh sản hậu không có nhiệt kết, không dùng nghệ cho phụ nữ mang thai.


 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons