1. Thiếu máu là một triệu chứng, không phải bệnh
Các tế bào hồng cầu có nhiệm vụ quan trọng là vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Nếu bạn bị
thiếu máu, điều đó có nghĩa bạn không đủ các tế bào hồng cầu hoặc những tế bào này không đủ hemoglobin (một loại protein giàu sắt và tạo ra màu đỏ của máu). Đây không phải một bệnh mà là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó đang xảy ra trong cơ thể bạn.
2. Hầu hết mọi người không biết mình bị thiếu máu
Mặc dù những người bị thiếu máu có thể cảm thấy mệt mỏi, nhưng phần lớn không nhận thấy bất cứ dấu hiệu bất thường nào. Nếu không được kiểm soát, thiếu máu sẽ trở nên tồi tệ, khiến bạn yếu mệt vì trái tim phải làm việc vất vả hơn và khó khăn hơn trong việc bơm máu và giữ cho các mô được cung cấp đủ oxy.
Các triệu chứng khác gồm hoa mắt, đau đầu, tê ở bàn tay hoặc bàn chân, thân nhiệt giảm, da xanh xao, khó thở, nhịp tim nhanh hoặc bất thường, đau ngực, khó chịu và không học tập, làm việc tốt. Thiếu máu không được điều trị còn có thể dẫn tới suy tim.
|
Phân biệt tình trạng bình thường và thiếu máu |
3. Thiếu máu hay gặp hơn ở phụ nữ nhưng nghiêm trọng hơn khi xảy ra ở nam giới
Ở phụ nữ trong
độ tuổi sinh đẻ, thiếu máu thường không quá nghiêm trọng vì đó là tình trạng phổ biến. Bạn dễ bị thiếu máu nếu ra nhiều máu trong kì kinh và vấn đề này dễ được khắc phục (các chế phẩm bổ sung hoặc trong một số trường hợp việc tiêm sắt có thể cải thiện tình trạng này). Nam giới không mang thai cũng không có kinh nguyệt, vì vậy thiếu máu là tình trạng đáng báo động ở nam giới. Nó thường là dấu hiệu của bệnh tật như ung thư đại tràng.
4. Ăn chay không phải là nguyên nhân gây thiếu máu
Mặc dù thịt đỏ, thịt gia cầm, cá, trứng và các sản phẩm sữa là nguồn thực phẩm giàu sắt nhất, bạn cũng có thể nhận được sắt từ đậu lăng, đậu, đậu phụ, rau lá xanh, bánh tăng cường sắt, ngũ cốc, trái cây khô như nho khô và quả mơ. Vì vậy, ăn chay không phải là nguyên nhân gây thiếu máu. Để cơ thể hấp thu sắt tốt hơn, bạn cũng nên bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin C như dâu tây, súp lơ xanh.
5. Thói quen sử dụng caffein có thể tăng nguy cơ thiếu sắt
Caffein cản trở hấp thu sắt từ thực phẩm. Nếu bác sĩ khuyên bạn bổ sung sắt, hãy đảm bảo là chỉ uống cà phê ít nhất 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau khi uống thuốc.
6. Bạn không nên tự điều trị
Nếu bổ sung sắt khi không cần thiết, bạn có thể bị những tác dụng phụ không mong muốn như khó tiêu và táo bón. Ngoài ra, một số người có thể bị một căn bệnh gọi là nhiễm sắc tố sắt mô, tức là hấp thu quá nhiều sắt. Tình trạng này có thể gây viêm khớp, tiểu đường, bệnh gan và nhiều tình trạng bệnh khác. Nếu bạn nghi ngờ bị thiếu sắt, hãy đi khám bác sĩ để làm các xét nghiệm máu đơn giản.
7. Những người bị thiếu máu có thể có cảm giác thèm ăn kỳ lạ
Thiếu máu do thiếu sắt có thể khiến bạn có những cảm giác thèm rất lạ kì. Nhiều người có thể thèm ăn đá. Một số người thèm tàn thuốc lá trong khi một số người thèm bìa cứng. May mắn thay những cảm giác thèm này sẽ biến mất khi bạn được bổ sung sắt.